Mô tả ngắn: Hồng sâm (Radix Ginseng Rubra) là cách gọi loại Nhân sâm đã qua chế biến từ những củ sâm đủ 6 năm tuổi có chất lượng tốt nhất, được trồng ở những vùng thổ nhưỡng phù hợp cũng như chăm sóc kỹ lưỡng.
Mô Tả Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Hồng sâm.
Tên khác: Không có.
Tên khoa học: Radix Ginseng Rubra.
Đặc điểm tự nhiên
Hồng sâm là vị thuốc được chế biến từ củ Nhân sâm tươi.
Nhân sâm là loài cây thảo sống lâu năm, cao khoảng 0,6m. Rễ phát triển thành củ to. Lá mọc thành vòng, cuống lá dài, lá kép gồm các lá chét mọc thành hình chân vịt. Sự phát triển của cây Nhân sâm như sau:
-
Cây 1 năm tuổi có một lá với 3 lá chét.
-
Cây 2 năm tuổi có một lá với 5 lá chét.
-
Cây 3 năm tuổi có 2 lá kép với 5 lá chét.
-
Cây 4 năm tuổi có 3 lá kép với 5 lá chét.
-
Cây 5 năm tuổi trở lên thì có 4 – 5 lá kép, với 5 lá chét.
Mỗi lá chét có hình trứng, mép lá có hàng răng cưa sâu.
Rễ củ hình chùy hoặc hình trụ tròn, dài 3 – 10 cm, đường kính củ khoảng 1 – 2 cm. Bề mặt củ Nhân sâm thấu minh có màu nâu đỏ, có các khối màu nâu vàng xám không thấu minh, rãnh dọc, nếp nhăn và sẹo rễ nhỏ, phần trên có các đường vằn không rõ ràng, phần dưới có 2 – 3 rễ nhánh uốn cong chéo nhau. Thân rễ (hay còn gọi là Lô đầu) dài 1 – 2 cm, trên có sẹo rễ hình lõm (Lô uyển), có lúc mang 1 – 2 rễ bất định. Thể chất cứng giòn, mặt cắt bằng phẳng, chất gỗ.
Hồng sâm có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt, hậu hơi đắng.
Phân bố, thu hái, chế biến
Nhân sâm phân bố ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc…nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Nhân sâm Hàn Quốc.
Nhân sâm Hàn Quốc có hàm lượng saponin vượt trội và có các thành phần saponin quan trọng cao. Thời gian thu hoạch vào mùa thu. Thu hoạch cây Nhân sâm, rửa sạch, sau khi chưng chế, phơi khô.
Các củ Nhân sâm đạt chất lượng được đem hấp bằng hơi nước khoảng 72 giờ. Có thể hấp Hồng sâm bằng phương pháp chân không hoặc lò hấp bằng gạch nung.
Sau khi hấp, Hồng sâm được sấy khô để mất hơi nước còn 14% và đem phơi bằng ánh sáng tự nhiên.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận dùng là rễ phơi khô sau khi chế biến (chưng) của cây Nhân sâm.
Thành Phần Hóa Học Của Hồng sâm
Thành phần hóa học gồm ginsenoside Rg1 (C42H72O14) và ginsenosides Re (C48H82O18). Ngoài ra còn các loại saponin khác nữa.
Tác Dụng Dược Lý Của Hồng sâm
Theo y học cổ truyền
Hồng sâm có công dụng Đại bổ nguyên khí, Phục mạch cố thoát, Ích khí nhiếp huyết.
Hồng sâm thường dùng trong các trường hợp cơ thể hư nhược, tay chân lạnh, mạch yếu, khí bất nhiếp huyết, băng lậu chảy máu, suy tim, sốc tim.
Theo y học hiện đại
Đối với bệnh ung thư
Hồng sâm giúp phòng chống ung thư bằng cách giảm sự phát triển của tế bào ung thư. Nghiên cứu cho thấy các chất Ginsenoside Rh2 và Rg3 có trong Hồng sâm còn có tác dụng làm giảm và ức chế quá trình tái phát cũng như phát triển lây lan rộng của tế bào ung thư.
Chống lão hóa và tăng cường thể lực
Nguyên nhân gây lão hóa là các gốc tự do có trong cơ thể. Trong Hồng sâm có thành phần tiêu diệt gốc tự do nên có hiệu quả làm chậm quá trình lão hóa, trong kéo dài tuổi thọ.
Bên cạnh đó, Hồng sâm cũng giúp cơ thể phục hồi thể lực, tăng cường sức đề kháng và cải thiện hệ miễn dịch.
Bệnh tiểu đường
Trong Hồng sâm có saponin giúp loại bỏ chất Alloxan và chất Streptozotocin. Đây là hai nguyên nhân gây tăng đường huyết, do đó dùng Hồng sâm cũng có hiệu quả làm hạ đường huyết, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Điều hòa huyết áp và hạ cholesterol máu
Các saponin của Hồng sâm có tác dụng làm hạ cholesterol và triglycerid trong máu nên không chỉ ngăn được nguy cơ của bệnh xơ vữa động mạch mà còn có hiệu quả rất tốt trong điều hòa, ổn định cho cả người bị cao huyết áp và huyết áp thấp.
Phát triển trí não, tăng trí nhớ
Hồng sâm bổ sung calci và kích thích não hoạt động dẫn đến tăng cường phát triển trí nhớ.
Tăng cường tuần hoàn máu
Hồng sâm có tác dụng ngăn sự kết tập tiểu cầu nên không chỉ ngăn ngừa huyết khối, giúp máu lưu thông tốt mà còn giảm được nguy cơ gây bệnh tim mạch.
Tác dụng giải độc gan
Saponin trong Hồng sâm làm tăng hoạt động enzym liên quan tới sự thoái giáng ethanol và acetaldehyde, do đó đối với người hay uống rượu, để gan tránh được độc tính của rượu, trước khi uống nên dùng hoặc ngậm một chút Hồng sâm sẽ giúp gan thải độc.
Liều Dùng, Cách Dùng Của Hồng sâm
Liều dùng: 3 – 9g.
Hồng sâm làm mềm, sau đó thái phiến mỏng, phơi khô hoặc nghiền mịn để dành dùng dần.
Bài Thuốc Có Hồng sâm
Hồng sâm tẩm mật ong
Chuẩn bị: Hồng sâm.
Thực hiện: Hồng sâm thái lát mỏng hoặc để nguyên củ sâm ngâm cùng mật ong để dùng (dùng trực tiếp hoặc ăn cùng với sữa chua).
Uống trà Hồng sâm
Chuẩn bị: Hồng sâm thái lát mỏng 1 – 2g.
Thực hiện: Hồng sâm pha với nước sôi, uống như trà. Có thể hãm trà vài lần cho đến khi mùi nhạt thì lấy bã Hồng sâm ăn.
Ngậm tan
Chuẩn bị: Hồng sâm thái lát mỏng.
Thực hiện: Cho vào miệng ngậm đến khi mềm thì nuốt, ngày dùng 2 – 3 lát.
Cháo Hồng sâm
Chuẩn bị: Hồng sâm 1 – 2g.
Thực hiện: Cho Hồng sâm thái lát vào sắc với nước, thêm gạo và nấu thành cháo ăn.
Lưu Ý Khi Sử Dụng Hồng sâm
Một số lưu ý khi sử dụng Hồng sâm:
- Không dùng cùng Lê lô.
- Không nên dùng Hồng sâm với mật ong cho người bệnh đái tháo đường.